Ù TAI – NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Ù tai không phải là một căn bệnh mà là triệu chứng báo hiệu cho một bệnh lý nào đó. Đôi khi, những tiếng ồn do chứng ù tai có thể cản trở việc nghe những âm thanh thực xung quanh và tạo cản trở cho quá trình sinh hoạt, làm việc. Hãy cùng Hồng Chuyên tìm hiểu về chứng ù tai và các vấn đề xung quanh nhé!

Ù tai là gì?

Ù tai là một thuật ngữ y tế để chỉ việc nghe thấy các tiếng ồn trong tai. Ù tai có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ù tai, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Nếu bị ù tai, bạn có thể nghe thấy:

  • Tiếng chuông
  • Tiếng gầm rú
  • Tiếng vo ve
  • Tiếng huýt sáo
  • Tiếng gió xì xào

Mặc dù tai nghe thấy các âm thanh trên nhưng thực chất, không có thứ gì xung quanh tạo ra chúng. Vì lý do này, những âm thanh của ù tai đôi khi được gọi là âm thanh ma.

Phân loại ù tai

Ù tai thường xảy ra rõ ràng hơn trong không gian yên tĩnh, không bị âm thanh bên ngoài tác động vào. Vì thế theo lẽ thông thường, ù tai thường được nhận ra và chú ý vào ban đêm.

Xét về sinh lý bệnh, ù tai có hai loại là khách quan và chủ quan.

Ù tai khách quan

Khi cả người bị và người khác đều có thể nghe thấy một số tiếng động nhất định. Điều này rất ít khi xảy ra và thường là do các mạch máu bất thường trong và xung quanh tai. Ví dụ: Khi tim đập, bạn và những người khác đều có thể nghe thấy âm thanh nhịp đập này.

Ù tai chủ quan

Chứng ù tai chủ quan phổ biến hơn. Điều này xảy ra khi chỉ người bị ù tai mới nghe thấy những âm thanh như tiếng chuông, tiếng gầm rú và các âm thanh ù tai kể trên.

 

Xét về thời gian, ù tai được chia thành ù tai cấp và mạn.

Ù tai cấp

Ù tai cấp kéo dài từ vài ngày đến vài tuần do các nguyên nhân như ráy tai, thuốc và một số bệnh lý dễ xác định. Vì vậy, loại ù tai này thường được điều trị hiệu quả.

Ù tai mạn

Ù tai mạn kéo dài từ 3 tháng trở lên, có thể do các nguyên nhân như ù tai cấp và đồng thời thường xảy ra ở bệnh nhân nghe kém. Hầu hết các trường hợp ù tai mạn rất khó điều trị hết hẳn, các phương pháp điều trị hiện nay chỉ có khả năng làm giảm mức âm ù.

Nguyên nhân gây ù tai

Tổn thương tai giữa hoặc tai trong là nguyên nhân phổ biến gây ù tai. Ngoài ra, ù tai còn đến từ:

  • Tổn thương màng nhĩ hoặc các xương nhỏ trong tai giữa
  • Các khối u trong tai hoặc trên dây thần kinh thính giác
  • Sự tiếp xúc với âm thanh rất lớn thường xuyên như nghe nhạc lớn qua tai nghe hoặc tại một buổi hòa nhạc có thể gây ù tai tạm thời
  • Việc sử dụng thuốc cũng có thể gây ù tai và tổn thương thính giác, được gọi là độc tính trên tai. Các loại thuốc có thể gây ù tai bao gồm: liều lượng rất lớn của aspirin, thuốc trị sốt rét, một số loại kháng sinh (chẳng hạn như erythromycin và gentamicin), một số loại thuốc chống ung thư (chẳng hạn như vincristine),..
  • Tuổi tác gây ra lão hóa
  • Co thắt cơ trong tai giữa
  • Bệnh Meniere, là một tình trạng tai trong ảnh hưởng đến thính giác và sự cân bằng
  • Huyết áp cao, cholesterol cao
  • Chấn thương đầu và cổ
  • Rối loạn khớp thái dương hàm, cũng gây ra đau mãn tính ở hàm và đầu của bạn
  • Tắc nghẽn ráy tai
  • Căng thẳng, lo âu

Ù tai có thể chẩn đoán được không?

Chẩn đoán ù tai có thể được bác sĩ thực hiện qua hai cách:

  • Kiểm tra thính lực bằng âm thanh. Bác sĩ sẽ khám tai và tiến hành kiểm tra bằng việc truyền âm thanh qua một bộ tai nghe đến từng bên tai. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên phản ứng của người được khám và so sánh với phản ứng của những người ở độ tuổi và giới tính tương đồng.
  • Xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ có thể sẽ chụp CT hoặc MRI để kiểm tra dị tật hoặc tổn thương tai nếu có. Phương pháp chụp X-quang phim trơn tiêu chuẩn không phải lúc nào cũng cho thấy các khối u, rối loạn mạch máu hoặc các bất thường khác có thể ảnh hưởng đến thính giác.

Phương pháp điều trị ù tai

Giải quyết các nguyên nhân gây ù tai

Nếu tình trạng ù tai đến từ sự tắc nghẽn ráy tai, bác sĩ sẽ thực hiện thông ống tai bằng cách lấy các ráy tai dư thừa ra bên ngoài. Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân đến từ các loại thuốc đang sử dụng, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để thay đổi đơn thuốc sang những loại có cùng công dụng nhưng ít ảnh hưởng thính lực hơn.

Giảm thiểu căng thẳng

Trầm cảm, lo âu, căng thẳng có thể là nguyên nhân gây ra ù tai hoặc làm trầm trọng hơn triệu chứng này. Hãy quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần để giảm triệu chứng ù tai.

Một vài gợi ý giảm thiểu căng thẳng có thể thử như: bắt tay vào thực hiện một sở thích đã bỏ quên từ lâu, thiền định,  trò chuyện cùng người thân hoặc bạn bè,..

Ngoài ra, việc tiếp xúc lâu với tiếng ồn lớn cũng có thể đồng thời gây ra cảm giác căng thẳng và làm thính lực suy yếu. Vậy nên, hãy tránh tiếp xúc với chúng nhiều nhất có thể nhé.

Điều trị bằng thuốc

Phương pháp này có thể giúp giảm âm thanh nghe thấy trong tai. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng với điều trị bằng thuốc và các tác dụng phụ có thể gây khó chịu.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị ù tai có thể bao gồm: buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, hoa mắt. Trong một số trường hợp, dù rất hiếm nhưng những loại thuốc này cũng có thể gây ra các vấn đề về tim.

Vì vậy, nếu muốn sử dụng thuốc để điều trị ù tai, bạn cần sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên môn để tránh việc vô tình làm trầm trọng thêm chứng ù tai hoặc phát sinh các vấn đề khác.

Sử dụng máy trợ thính hoặc cấy ghép ốc tai điện tử

Máy trợ thính thực hiện chức năng khuếch đại âm thanh nên có thể giúp ích cho việc lắng nghe của những người khó nghe thấy tiếng ồn bình thường.

Cấy ghép ốc tai điện tử để phục hồi thính giác đã mất cũng có thể hiệu quả, cho phép não vượt qua phần bị tổn thương của tai để giúp người được cấy nghe hiệu quả hơn. Ốc tai điện tử là một chiếc micro được cấy vào ngay trên tai và hoạt động với một bộ điện cực được đưa vào tai trong. Bộ phận cấy ghép sẽ gửi cho dây thần kinh thính giác những tín hiệu bạn cần để xử lý âm thanh. Ốc tai điện tử sử dụng kích thích điện để giúp não giải thích âm thanh đúng cách. Tuy nhiên, những vấn đề như nguy cơ liệt mặt, chảy dịch não tủy, thương tổn tai trong, thậm chí tổn thương động mạch cảnh,… có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.

Cách ngăn ngừa chứng ù tai

  • Bảo vệ tai của bạn khỏi tiếng ồn lớn
  • Điều chỉnh mức âm lượng của tivi, radio và máy nghe nhạc dưới 50%
  • Đeo thiết bị bảo vệ tai khi có tiếng ồn lớn hơn 85 decibel
  • Che tai hoặc đeo nút bảo vệ nếu xung quanh có tiếng nhạc lớn hoặc tiếng ồn của công trình
  • Tránh các loại thuốc có thể gây ù tai hoặc làm ù tai tái phát
  • Lên lịch với bác sĩ kiểm tra thính lực thường xuyên để phát hiện kịp thời bất kỳ vấn đề nào với cấu trúc của tai trong và tai giữa

Đôi tai của chúng ta đang phải chịu áp lực hằng ngày, đặc biệt là khi sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, nhà máy hoặc khu vực nông nghiệp sử dụng các thiết bị phát ra âm thanh lớn như máy xay lúa,… Song song với đó, những thói quen vệ sinh tai chưa đúng cách cũng góp phần tạo ra nhiễm trùng tai và suy giảm thính lực.

Để lại một bình luận

0772240905
Nhắn tin qua Facebook Zalo: 0772240905 SMS: 0772240905